Ngày đăng: 20/01/2023

Kinh tế vĩ mô

Với độ mở nền kinh tế lớn, triển vọng tăng trưởng kinh tế cũng như sự ổn định của thị trường tài chính của Việt Nam dự báo sẽ đối diện nhiều thách thức trong năm 2023. Tăng trưởng kinh tế dự kiến sẽ sụt giảm mạnh từ mức cao của năm 2022 do sự suy yếu của hoạt động xuất khẩu, thị trường bất động sản điều chỉnh và sự phục hồi nhu cầu tiêu dùng chững lại. Năm 2023, Chính phủ tiếp tục đặt mục tiêu tăng trưởng GDP cao ở mức 6,5%, phù hợp với mức tăng trưởng bình quân 10 năm trong giai đoạn 2010-2019 (giai đoạn trước COVID-19) và cao hơn mức trung bình 5,3% trong 5 năm qua.

Chính sách đầu tư

Chính phủ định hướng sẽ đẩy mạnh giải ngân đầu tư công trong 2023. Trong đó, tổng nguồn vốn đầu tư năm 2023 đang kế hoạch ở mức 793 nghìn tỷ, tăng 29% so với kế hoạch 2022. Nhiều dự án trọng điểm đã bắt đầu chuyển tiếp sang giai đoạn thi công sau hơn một năm chuẩn bị công tác hồ sơ, đấu thầu, GPMB. Các dự án trọng điểm như Đường vành đai 4 – GĐ1, Đường vành đai 3, Sân bay Long Thành – GĐ1, hệ thống cao tốc địa phương khu vực phía Nam. Việc nâng cấp hạ tầng giao thông đường bộ có vai trò rất quan trọng đối với sự phát triển kinh tế của Việt Nam nhằm thu hút nhiều doanh nghiệp FDI hơn. Cả nước hiện có 1.290 km đường cao tốc và đặt mục tiêu đến năm 2030 sẽ có 5.000 km và đến năm 2050 là 9.000 km. Bên cạnh đó, đầu tư công cũng sẽ giúp Việt Nam bơm thêm thanh khoản vào nền kinh tế, tạo thêm việc làm. Tuy nhiên, việc đưa thêm tiền vào hệ thống cũng sẽ ảnh hưởng đến lạm phát.

Lãi suất

Mặt bằng lãi suất sẽ tiếp tục duy trì ở mức cao. Năm 2023, tiền gửi khu vực dân cư kỳ vọng sẽ hồi phục nhờ lãi suất huy động tăng, làn sóng đầu cơ đất đai chững lại, kênh đầu tư vàng, USD hạ nhiệt và thị trường tài sản (trái phiếu, cổ phiếu) giảm đi tính hấp dẫn. Hiện tại, mặt bằng lãi suất cho vay phổ biến trong nền kinh tế đang tiệm cận về mức lãi suất của năm 2013. Năm 2023, NHNN tiếp tục theo dõi diễn biến tiền tệ trong nước, quốc tế, dự báo lạm phát và lãi suất thị trường để điều hành lãi suất phù hợp với cân đối vĩ mô, lạm phát và mục tiêu chính sách tiền tệ, lãi suất điều hành dự báo sẽ giữ nguyên hoặc tăng nhẹ phù hợp với thế giới.

Trung Quốc mở cửa

Việc Trung Quốc mở cửa lại biên giới và dỡ bỏ các quy định về phòng chống COVID vào ngày 8/1/2023 được kỳ vọng sẽ giúp Việt Nam thúc đẩy phục hồi ngành du lịch do du khách Trung Quốc chiếm 32% tổng lượng khách dulịch nước ngoài đến Việt Nam trong giai đoạn 20182019, trước khi COVID-19 diễn ra. Tổng lượng khách du lịch quốc tế đến Việt Nam năm 2022 đạt 3,6 triệu lượt khách, vẫn thấp hơn 4,6% so với năm 2020 và chỉ bằng 20,3% so với mức trước COVID-19 của năm 2019. Nếu cộng thêm trung bình 4,4 triệu khách du lịch Trung Quốc trong giai đoạn 2016-2019 sẽ đưa lượng khách du lịch quốc tế đến Việt Nam đạt gần 45% so với trước đại dịch. Vì khách du lịch quốc tế thường chiếm 10% GDP của Việt Nam, nên con số này sẽ bổ sung thêm 2,4% vào GDP của Việt Nam năm 2023.

Thanh khoản

Áp lực thanh khoản là rất lớn trong năm 2023, các sự kiện đổ vỡ trái phiếu ở một số doanh nghiệp đã tạo áp lực lớn lên thanh khoản hệ thống, kết hợp với các điều kiện tài chính toàn cầu thắt chặt hơn đã cho thấy những điểm nghẽn trong thị trường tài chính Việt Nam. Việc sử dụng đòn bẩy tài chính quá đà trong môi trường lãi suất thấp (khi tăng trưởng kinh tế dựa nhiều vào tăng trưởng tín dụng), dưới hình thức các khoản vay ngân hàng trong nước, trái phiếu doanh nghiệp và các khoản vay nước ngoài đi kèm với việc không có nhận thức đầy đủ về rủi ro đi kèm, đã và sẽ gây ra rủi ro thanh khoản cho Việt Nam trong năm tới.

Tổng kết: Bức tranh kinh tế Việt Nam năm 2023 tuy gặp không ít khó khăn nhưng vẫn sẽ có các điểm sáng. Năm 2023 có thể coi là một thử thách với nền kinh tế Việt Nam trong bối cảnh suy thoái toàn cầu tuy nhiên Công ty tin rằng mục tiêu tăng trưởng năm 2023 với mức tăng 6,5% theo Nghị quyết của Quốc hội hoàn toàn có thể đạt được.