Ngày đăng: 03/01/2023

Kinh tế – Xã hội nước ta năm 2022 diễn ra trong bối cảnh kinh tế thế giới đang phải đối mặt với những thách thức lớn, biến động nhanh, khó lường và tính bất ổn cao; lạm phát đã tăng lên mức cao nhất trong nhiều thập kỷ buộc các quốc gia phải thắt chặt chính sách tiền tệ. Cạnh tranh chiến lược, địa chính trị giữa các nước lớn, xung đột quân sự giữa Nga và Ukraine; thiên tai, dịch bệnh, biến đổi khí hậu, mưa bão, hạn hán… đã làm gia tăng rủi ro đến thị trường tài chính, tiền tệ, an ninh năng lượng, an ninh lương thực toàn cầu.

Tuy vậy, nền kinh tế nước ta trong năm qua đã có sự phục hồi, kinh tế vĩ mô ổn định, lạm phát trong tầm kiểm soát, các cân đối lớn được bảo đảm. Môi trường đầu tư kinh doanh cải thiện góp phần tích cực cho phục hồi và phát triển kinh tế – xã hội, tạo được sự tin tưởng, ủng hộ của nhân dân và cộng đồng doanh nghiệp. Một số ngành đã có mức tăng trưởng cao hơn năm trước khi có dịch Covid-19.

Ở cả ba khu vực kinh tế, hoạt động sản xuất kinh doanh đều ghi nhận sự tăng trưởng trở lại. GDP năm 2022 tăng trưởng 8,02% so với năm trước, là mức tăng cao nhất các năm trong giai đoạn 2011-2022. Khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 3,36%. Khu vực công nghiệp và xây dựng tăng 7,78% trong đó ngành công nghiệp chế biến, chế tạo là động lực tăng trưởng của toàn nền kinh tế với tốc độ tăng 8,1%. Khu vực dịch vụ tăng 9,99%, trong đó nhiều ngành dịch vụ thị trường tăng cao như: bán buôn, bán lẻ; vận tải kho bãi; dịch vụ lưu trú và ăn uống; hoạt động tài chính, ngân hàng và bảo hiểm… GDP bình quân đầu người năm 2022 theo giá hiện hành ước đạt 95,6 triệu đồng/người, tương đương 4.110 USD, tăng 393 USD so với năm 2021.

Số lượng doanh nghiệp gia nhập thị trường tăng cao. Năm 2022, cả nước có 148,5 nghìn doanh nghiệp đăng ký thành lập mới với tổng số lao động đăng ký là 981,3 nghìn người, tăng 27,1% về số doanh nghiệp và tăng 14,9% về số lao động so với 2021; số doanh nghiệp quay trở lại hoạt động là 59,8 nghìn doanh nghiệp, tăng 38,8%. Tính chung số doanh nghiệp gia nhập thị trường năm nay đạt 208,3 nghìn doanh nghiệp, tăng 30,3% so với năm 2021.

Vốn đầu tư thực hiện toàn xã hội theo giá hiện hành năm 2022 ước đạt 3.219,8 nghìn tỷ đồng, tăng 11,2% so với 2021; vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài thực hiện tại Việt Nam ước đạt gần 22,4 tỷ USD, tăng 13,5%, cao nhất trong 5 năm qua.

Lạm phát được kiểm soát, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) bình quân năm 2022 tăng 3,15% so với 2021, thấp hơn mức tăng 3,54% và 3,23% của năm 2018 và 2020; cao hơn mức tăng 2,79% và 1,84% của năm 2019 và năm 2021. Lạm phát cơ bản bình quân năm 2022 tăng 2,59%. Lạm phát kiểm soát thành công nhờ giá mặt hàng như điện, xăng dầu có sự điều tiết của Chính phủ, giá dầu thế giới giảm dần về cuối năm và cung tiền tăng chậm. Tuy nhiên, lạm phát các tháng cuối năm tăng cao, bình quân tăng 4,5% so với cùng kỳ.

Thành tích kinh tế tăng trưởng và lạm phát không thể che phủ được những vấn đề khó khăn nội tại. Những vụ sai phạm liên quan đến trái phiếu thời gian vừa qua đã ảnh hưởng tiêu cực đến thị trường chứng khoán trong nước. Rủi ro lây lan tài chính là hiện hữu, cụ thể là rủi ro thanh khoản đối với hệ thống ngân hàng vẫn đang tiếp diễn. Biểu hiện là cuộc đua huy động lãi suất của nhóm NHTMCP tư nhân, thị trường bất động sản đối diện với nhiều khó khăn, thị trường chứng khoán Việt Nam giảm hơn 30% so với đầu năm, và là một trong những thị trường sụt giảm mạnh nhất thế giới.

Chính sách tiền tệ thắt chặt gần như xuyên suốt cả năm 2022, NHNN thực hiện hai lần nâng lãi suất điều hành đưa lãi suất tái cấp vốn về mức trước Covid-19 là 6,0%/năm và lãi suất tái chiết khấu lên mức 4,5%/năm, cao hơn 50 điểm cơ bản so với trước Covid-19. Đồng thời, kênh điều tiết vốn trên thị trường mở được sử dụng với tần suất liên tục, giai đoạn đầu là nhằm cân đối cung-cầu tiền nhằm ổn định tỷ giá, giai đoạn sau là để hỗ trợ thanh khoản cho hệ thống. Tín dụng tăng yếu những tháng cuối năm do chính sách trần tín dụng và huy động tăng yếu. Về cơ bản, NHNN đã ứng phó chủ động với rủi ro bên ngoài nhưng bị động với rủi ro bên trong.

Chính sách tài khoá không như kỳ vọng khi đầu tư công bị trói chân bởi nhiều yếu tố gồm: 1) thể chế, 2) năng lực triển khai, và 3) biến động giá nguyên vật liệu. Ước tính tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công của cả nước năm 2022 đạt 80,63% kế hoạch, đạt 92,97% kế hoạch Thủ tướng giao, thấp hơn cùng kỳ và chưa đạt kỳ vọng.